Ccasa Hostel là khách sạn đầu tiên được xây dựng bằng container tại Nha Trang, Việt Nam. Công trình tọa lạc ở khu vực phía Bắc của thành phố. Khách sạn được thiết kế dành riêng cho khách du lịch ba…

Ccasa Hostel là khách sạn đầu tiên được xây dựng bằng container tại Nha Trang, Việt Nam. Công trình tọa lạc ở khu vực phía Bắc của thành phố. Khách sạn được thiết kế dành riêng cho khách du lịch ba lô với phương châm: “Tất cả mọi người trên thế giới đều là người một nhà”, đây cũng là ý tưởng xuyên suốt toàn bộ công trình.

Thông tin công trình

Tên công trình: Ccasa Hotel;

Thể loại: Công trình khách sạn, nghỉ dưỡng;

Địa điểm: Phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;

Diện tích khu đất: 195m2;

Năm hoàn thành: 08/2016.

Ccasa Hotel tọa lạc ở khu vực phía Bắc của thành phố. Cách trung tâm khoảng 3km, cách biển 200m, cách chợ 300m, rất gần một số địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nha Trang như: Hòn Chồng – Hòn Vợ, tháp Bà Ponaga, khu du lịch tắm khoáng bùn I-resort…

Vị trí công trình là một bãi đất trống kích thước 6.5x30m, lối vào nằm ở mặt đường Sao Biển, khá yên tĩnh nhưng vẫn tiếp cận dễ dàng.

Vật liệu và giải pháp

Với việc sử dụng container cũ, khung sắt kết hợp với sàn gỗ, cây xanh, Ccasa Hotel trở nên mạnh mẽ, cảm giác công nghiệp nhưng vẫn rất mềm mại và giàu cảm xúc. Vật liệu thô mộc, gạch bông, mẹt đan, cửa gỗ cũ, giàn dây leo hòa quyện trong không gian sinh hoạt mở góp phần tạo nên một không gian hiện đại nhưng vẫn rất thân thuộc, mang đậm bản sắc Việt.

Tham khảo: Tour du lịch Nha Trang 4 ngày 3 đêm giá rẻ

Thông gió tự nhiên với không gian mở chính là chìa khóa để công trình giảm thiểu sự oi bức của khí hậu nhiệt đới tại Nha Trang, giàn dây leo bao quanh không chỉ làm cho công trình nhìn xanh tươi hơn mà nó còn là lớp da thứ hai để cản ánh nắng trực tiếp và làm mát cho công trình.

Phối cảnh công trình

Sau khi hoàn thành, Ccasa hostel đã trở thành một điểm đến hấp dẫn với khách du lịch, nó cũng góp phần tăng thêm mảng xanh cho thành phố và làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Ý tưởng thiết kế

Khách sạn được thiết kế dành riêng cho khách du lịch ba lô với phương châm:”Tất cả mọi người trên thế giới đều là người một nhà”, đây cũng là ý tưởng xuyên suốt toàn bộ công trình. Nhìn tổng thể, cả công trình chỉ đơn giản là một ngôi nhà lớn, trong đó: những cabin trong container đóng vai trò như phòng ngủ; không gian chung đóng vai trò của phòng khách và bếp; không gian thư giãn trên sân thượng như không gian sinh hoạt chung; không gian vệ sinh, phòng tắm chung như toilet.

Mặt bằng tầng trệt
Mặt bằng tầng hai
Mặt cắt dọc
Không gian chung và bếp mở

Cách tiếp cận của Ccasa Hotel ngược hoàn toàn so với khách sạn thông thường, thay vì ưu tiên không gian ngủ, công trình lại gia tăng tối đa diện tích cho không gian chung nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa người với người; không gian ngủ được thu nhỏ đến mức tối thiểu, chỉ để ngủ, các hoạt động khác đều được đẩy ra bên ngoài; ngay cả không gian vệ sinh cũng được sử dụng chung.

Tổ chức không gian

Công trình Ccasa Hotel gồm ba khối cứng: khối phục vụ, khối ngủ và khối vệ sinh. Trong đó: khối phục vụ được làm bằng sắt khung, bọc ngoài bởi tole sóng vuông sơn đen; khối ngủ gồm 10 cabin với 43 giường có sức chứa tối đa 46 người, bố trí trong 3 container cũ kích thước 12×2.5×2.9m, được sơn 3 màu cơ bản tượng trưng cho 3 loại phòng ngủ khác nhau; khối vệ sinh được xây dựng theo cách truyền thống với bê tông và gạch không tô sơn trắng.

Không gian thông tầng

Ba khối này được liên kết với nhau bởi một không gian chung mềm mại, mở tối đa ra thiên nhiên, có vai trò như không gian chia sẻ và không gian giao thông; đây cũng là nhân tố chính làm cho công trình trở nên linh hoạt và hài hòa.

Lối vào những phòng ngủ không còn là những hành lang bít bùng như thông thường, thay vào đó là những cây cầu tràn ngập ánh sáng, đi giữa cây xanh, đem đến cho du khách một cảm giác thư thái mỗi khi bước ra hoặc vào phòng ngủ.

Sân thượng cũng được xử lý một cách táo bạo với những chiếc võng lớn căng qua khoảng không giếng trời giúp gia tăng diện tích sử dụng và trải nghiệm cảm giác nằm lơ lửng giữa thiên nhiên.

Nguồn: Kiến Trúc Việt Linh